Không biết có phải hôm nay mình học bơi có tiến bộ không mà hào hứng viết hẳn bài blog thứ 2. Bài trước là mình viết về việc chọn nhà rồi. Vậy giờ sao?
Bạn đã đọc được ti tỉ note trên WTF để bắt đầu lối sống, hoặc giả như đã nghe rất nhiều nhân viên tư vấn du học giúp đỡ, lên danh sách. Nhưng bạn vẫn hoang mang, bố mẹ vẫn hoang mang. Bạn inbox nhiều người để hỏi han, tìm kiếm thêm ít thông tin về trường lớp và lên kế hoạch những gì sắp phải làm. Mình cũng từng như bạn bây giờ.
Tháng 8 năm 2014, mình sang Phần. Với hai kiện hành lý đầy phè quá cân, mỗi kiện 23-25kg, một hành lí xách tay quá cân, và một ba lô đồ điện tử quá cân :)). Năm đó, mình bay chuyến cuối direct flight của Finnair từ Hà Nội đến Helsinki.
Cái may mắn của mình hơn đa phần các bạn sinh viên là mình có người nhà bên này. Mọi người chào đón mình nồng nhiệt và cố gắng đưa đón giúp đỡ mình lúc sang Phần. Còn đa số các bạn khác, sẽ phải tự tìm được về khu nhà sinh viên của mình, may mắn thì sẽ được các anh chị sinh viên bên này giúp đỡ.
Vậy thường mình sẽ phải làm gì khi mới sang Phần đây?
1. MUA THẺ ĐIỆN THOẠI
Ngay cửa ra ở sân bay Helsinki sẽ có một chợ nhỏ gọi là Alepa hoặc các chỗ có biển R kioski. Ở đó, bạn nên tìm mua một sim điện thoại. Thường sẽ có sẵn 3-4G khoảng 10e. Internet bên này là sống còn.
2. DI CHUYỂN VỀ NHÀ
Nếu bạn phải đi về các tỉnh thành khác, cố gắng liên lạc nhờ người giúp đỡ đến kéo vali cùng để về trung tâm thành phố, bắt xe hoặc tàu về tiếp. Trong trường hợp đó, mình nghĩ bạn có thể đi tàu từ sân bay về trung tâm, giá rất rẻ và tiện.
Còn nếu bạn là rich kid thì đi taxi tiếp cũng đc :))
Một option taxi từ sân bay giá cả rất phải chăng là bạn đi chung xe với mọi người đã được đặt trước. Dịch vụ này na ná Uber pool. Giá là tầm 20-38e.
Link của Yellowline Airport Taxi mình để ở đây nhé.
3. MUA ĐỒ NỘI THẤT
Như mình nhắc ở bài viết #1, bạn hãy join Facebook group của nơi bạn sẽ sống. Điều này giúp bạn xin hoặc tìm được những đồ nội thất cơ bản để ổn định cuộc sống. Đặc biệt tầm tháng 8 sinh viên mới cũ ra vô nhiều, sẽ được cho lại nhiều đồ.
Địa chỉ tin yêu mua đồ nội thất là Ikea, vì nó rẻ và nhiều option. Nhưng mình khuyên thành thật luôn. Trong những ngày tháng đầu, nếu bạn chưa có chỗ ở lâu dài vì nhiều lí do như: bạn muốn đổi nhà do bạn cùng nhà quá gớm, bạn chưa được offer nhà nên mới chỉ được đi ở ké, etc. Nếu vì thế, thì đừng mua đồ nội thất. Một tấm nệm là đủ sống rồi :)) Bạn không muốn chuyển nhà trong vài tháng đầu với một XE TẢI ĐỒ đâu. Dành sức một hai năm sau là sẽ vậy.
Tối giản hết sức có thể, một cái đèn và một cái nệm là đủ survive rồi nhé. Lúc ổn định nhà cửa sau thì mới tung tẩy sắm sửa trang hoàng.
4. ĐĂNG KÍ SỐ AN SINH XÃ HỘI*
Cái này nó quan trọng đến mức mình phải đánh dấu sao bên cạnh nhé. Việc này sẽ là khởi nguồn cho mọi hoạt động từ ngân hàng, đi lại, mua bán, thuế má của bạn bên Phần.
Khi bạn xin thị thực ở Việt Nam, lúc điền đơn sẽ có option cho bạn xin số Social Security Number (SSN) luôn. Có số này từ lúc ở Việt Nam, sẽ tiết kiệm được hai ba tuần lễ làm giấy tờ cho các bạn.
Còn trong trường hợp, bạn sang Phần mới lục tục đi lo cái này. Bạn sẽ lên Maistraatti Office ở thành phố bạn sống và đăng kí thường trú dành cho người ngoại quốc - Registration of foreigners. Từ đây, bạn sẽ nhận được 1 số gọi là social security number - số an sinh xã hội. Số này bao gồm ngày tháng năm sinh và 4 chữ số hoặc chữ cái bất kì. Ví dụ, của mình là: 121194-XXXX.
Tại sao số này quan trọng? Nó quyết định bạn là ai. Mọi quyền đăng nhập, đăng kí và xác minh liên quan tới giấy tờ của bạn đều sẽ đi qua mã số này. Ví dụ, bạn gọi đến tổng đài điện thoại, hỏi về một dịch vụ, người ta sẽ hỏi số này của bạn để tra ra thông tin khác. Nói cách khác, để sống ở đây hợp pháp, bạn cần SSN. Nếu chưa có SSN, bạn sẽ không đăng kí thẻ ngân hàng và xe buýt được.
5. CHUYỆN ĐI CHỢ
Vì sau khi đăng kí số SSN cần một vài ngày bạn mới có thể biết được mã số, nên bạn chưa thể làm thẻ ngân hàng. Bạn đang dắt túi cả ngàn euro tiền mặt (nếu bạn là rich kid) hoặc có thẻ ngân hàng Việt Nam. Bạn không muốn ăn mì gói mang theo nữa, và muốn đi chợ. Tuy nhiên đầu bạn cứ tự nhẩm giá tiền quy từ euro ra vietnamdong nên thành ra không dám mua gì.
Về chuyện đi chợ thì mình thích viết một bài dài hơn, vì ăn uống là đam mê vĩnh cửu của mình. Nhưng mình có lời khuyên là xin đừng cố đổi giá tiền nữa nhé các thanh thiếu niên trẻ tuổi. Vì cho dù có đi chợ rẻ nhất là LIDL thì nó vẫn đắt hơn cơm mẹ nấu ở nhà thôi.
Những ngày đầu, cố gắng làm quen vs các chợ xung quanh, địa chỉ nhận thư tín hàng hóa mua online cũng thường ở các chợ đó.
Còn về ăn uống, LIDL rẻ nhất, chợ càng to càng rẻ, càng nhỏ càng đắt. Thôi mới qua, cứ vô LIDL đi. Nhớ hồi mới sang, mình đã đóng họ ở đó gà hộp ba đùi và bắp cải LIDL nhiều không tưởng. Ăn trường kì liên miên vì nó rẻ quá (so với các thứ khác).
6. THẺ NGÂN HÀNG
Tuy có nhiều phàn nàn về Nordea, nhưng mình vẫn vote đây là ngân hàng dành cho dân ngoại quốc. Dịch vụ bằng tiếng Anh tốt, App dùng ổn không yêu cầu số thẻ cảnh sát, miễn phí cho người dùng dưới 28 tuổi.
Nếu các bạn đã nhận được số SSN rồi, thì hãy lên Nordea ở Sello, hoặc điện lên customer service của Nordea để đặt lịch làm thẻ ngân hàng. Khi làm thẻ ngân hàng, hãy cố gắng hỏi nhân viên mở cho bạn bank identification. Cái identification này nó quyền lực lắm luôn.
Ngày mình với Trang mới chân ướt chân ráo đến Phần Lan, hai đứa ngố ngày đi làm thẻ ngân hàng ở khu Kauniainen, gặp một chị nhân viên dễ thương học cùng trường Laurea. Mồm mép tép nhảy thế nào, chị mở luôn cho bank identification sau khi mình chia sẻ muốn mua đồ online. :)) Không những thế còn được hai cái móc chìa khóa hình con heo xinh xẻo về. Đến giờ hai đứa vẫn biết ơn chị ấy. Nhờ cái số đó, mình đăng nhập ngân hàng, các dịch vụ nhà nước, mua bán online, đăng nhập đi học, bla bla blo... Tất cả, đều từ cái đó mà ra.
7. THẺ ĐI LẠI
Cứ coi như là các bạn không có ô tô hay xe máy bên này, chưa mua xe đạp và nhà cách trường 5km. :)) Bạn chỉ có option là phương tiện công cộng. Phương tiện công cộng vùng thủ đô có tên là HSL. Thủ đô được chia là ba vùng tên A, B, C tính từ trung tâm Helsinki tỏa ra. Giá vé dạo này được thay đổi nên đã rẻ hơn trước rất nhiều. Thay vì 5e chỉ còn 2.8e cho một lượt vùng AB. Mà thường mọi hoạt động đăng kí, ổn định đời sống đều ở vùng AB.
Thường thì nếu bạn nhập học ngày đầu tiên, các hội sinh viên sẽ hướng dẫn bạn lấy một tờ giấy, và phải điền số SSN lên đó. Tờ giấy đó là xác nhận "bạn là sinh viên" từ trường cho công ty HSL. Sau đó, hãy lên văn phòng HSL ở chỗ ga metro bến Helsinki Rautatientori.
Và sau đó, ngồi vật vờ đợi chờ ba thập kỉ mới đến phiên mình mua thẻ đi lại. Vì tất cả sinh viên mới của vùng thủ đô sẽ đổ về đây những ngày này :)) Thẻ này sẽ giúp các bạn được giảm giá 45% so với giá bình thường. Lúc mình viết bài này, thì mình chỉ còn 15 ngày nữa được dùng thẻ sinh viên thôi.
Mọi thông tin về customer services mọi người tìm ở đây.
Vậy trước khi có thẻ sinh viên, bạn làm gì? Mọi người có thể tìm mua single ticket ở các bến tàu. Cá nhân mình khuyến khích download app điện thoại của HSL. Từ đó, mỗi lượt đi sẽ được rẻ hơn xíu xíu. Hơn nữa, bạn không phải lo về việc làm mất tờ giấy bé xíu.
Vậy là cơ bản các bước bắt đầu hòa nhập cuộc sống đã hết rồi đó.
Mình nhớ những ngày đầu mới đến, chân ướt chân ráo hai ba đứa cứ túm tụm với nhau, đi hết văn phòng này đến văn phòng kia. Trong túi luôn có ti tỉ giấy tờ. Đến đâu cũng phải đánh số ngồi chờ. Cũng may sao nghe được các anh chị học khóa trước chỉ dẫn.
Mình vẫn nhớ mỗi lần đi đến văn phòng mới, bắt một tuyến bus đi sang một vùng khác, các tòa nhà đan xen không theo thứ tự nào, là mình và Trang lại cứ ngẩn tò te. Đối với mình, việc đi xe buýt cũng đã là một trải nghiệm hoàn toàn xa lạ.
Như bài viết trước, tâm niệm của mình là cứ "an cư" mới "lạc nghiệp" được. Vậy nên, mình mong là bài này sẽ thực sự có ích với tất cả những bạn trẻ chuẩn bị sang bên này. Mình mong rằng giống như mình, bạn sẽ có một hành trình tuyệt vời ở xứ này.
Thân gửi,
Lỗ.
Ps. Mình đang có hứng thú viết cả một series, viết nhanh không thời sinh viên sắp bay màu hẳn thì tiếc lắm :)) Vậy viết gì tiếp bây giờ nhỉ? Bài #3 nên về cái gì bây giờ? Giúp mình vớiiiii.
Ps2. Bài này cũng được chỉnh chấm phẩy, chính tả bởi Koi Koi xinh xinh.
Mục lục:
Comments